Cảm nhận KTM Duke 125: Nhỏ nhưng có võ
Huy Hùng2016-07-08T04:16:12+07:00Cuối tuần vừa rồi mình có làm một chuyến đi chơi từ Sài Gòn lên Vũng Tàu với Duke 125 và một vài người bạn. Đây không phải là một bài đánh giá chi tiết vì cần phải có nhiều thời gian hơn, tuy nhiên mình cũng rút ra được khá nhiều cảm nhận về chiếc xe Duke 125 này. Mời các bạn cùng xem (lưu ý: các chi tiết như đèn LED bình xăng, các cục chống đổ là đồ chơi, không phải zin theo xe nhé).
Nhận xét chung
Đẹp và ngầu, đó là nhận định không chỉ của riêng mình mà cả những người bạn đồng hành gặp nhau trên đường đi, của những du khách nước ngoài khi họ bắt gặp chiếc Duke mà mình đang chạy. Có thể nói trong làng mô tô phân khối nhỏ (PKN – dưới 175cc), ít có chiếc nào có thể đọ lại được Duke 125 về khoản thẩm mỹ, nhất là phần đầu và bình xăng của xe. Đơn giản vì xe được trang bị không những cặp bánh to mà còn có phuộc ngược, đầu đèn hình đa giác, phía sau có bánh kích thước 150mm, phuộc monoshock và đuôi xe thể thao.
Chi tiết hơn
Duke 125 là chiếc xe dáng Naked-Bike với phần đẹp nhất nằm ở đầu xe. Thân xe dồn về phía trước nên nhìn nó có vẻ rất mạnh mẽ và hung hăng. Cộng với thùng xăng bè nhiều ra hai bên nên khi nhìn trực diện từ đằng trước, ta thấy bề ngang của xe rất to, rất có lực nên nhiều người cứ nghĩ chắc là xe “lớn” lắm mặc dù phân khối chỉ vỏn vẹn có 125cc.
Dàn đầu
Nhìn sơ qua, Duke 125 khá ngắn chứ không dài như những chiếc mô tô khác. Tuy nhiên do pát biển số hơi dài nên chiều dài tổng thể của xe cũng ngang ngửa như ai chứ không hề ngắn hơn. Phần đầu của xe là hệ thống đèn pha được bố trí thành hai tầng, bên dưới là đèn đề-mi. Cụm đèn pha có thiết kế đứng, dạng hình đa giác khác biệt hẳn so với kiểu đèn tròn hoặc mắt cáo như một số xe khác. Lưu ý đèn pha của xe được thiết kế luôn luôn mở, nghĩa là khi đề máy lên thì đèn xe sẽ sáng liên tục, tùy vào xe lúc đó đang dừng hay đang chạy mà xe sẽ tự động điều chỉnh việc bật/tắt của đèn pha với đền đề-mi. Cụ thể: Khi xe đứng yên thì chỉ có đề-mi sáng, đèn pha tắt. Khi xe bắt đầu lăn bánh thì đèn pha sẽ tự động sáng lên, khi dừng xe lại thì đèn pha tắt, đề-mi sáng.
Bản thân mình là người tế nhị, khi chạy xe về nhà hay vào hẻm nhỏ, mình thường dùng công tác để tắt đèn trước để người trong hẻm không bị lóa mắt. Trong khi đó với Duke 125 thì bạn không thể chủ động tắt đèn pha trước, đèn chỉ tự động tắt khi nào xe dừng lại hẳn mà thôi.
Tiếp đó là cặp phuộc ngược (USD hay up-side-down), khoan hãy bàn về công dụng giảm sóc của nó, đây có thể nói là niềm mơ ước của đa số những người chơi xe mô tô PKN vì phuộc USD sẽ giúp chiếc xe trông hoành tráng hơn, ngầu hơn, cứng cáp hơn. Tiếp đó là bánh trước kích thước 110/70-17. Trong khi đa số các xe PKN khác chỉ dùng bánh 90 hoặc 100 thì Duke 125 chơi hẳn bánh có chiều ngang 110mm, kết hợp với cặp phuộc và thùng xăng phía sau làm cho dàn đầu của xe khó có thể chê vào đâu được.
Phần thùng xăng là chi tiết hầm hồ nhất của Duke 125. Mặc dù dung tích thực chỉ có 11 lít nhưng KTM đã làm cho phần vỏ (bằng nhựa) bè ra hai bên rất nhiều, che gần hết đầu gối của người lái. Chính chi tiết này làm làm cho xe trở nên mạnh mẽ hơn rất nhiều. Lưu ý phần vỏ nhựa nơi thùng xăng chỉ là dàn áo bên ngoài, không phải là nơi chứa xăng thật sự.
Hệ thống giảm sóc
Mặc dù có cặp phuộc trước USD khá đẹp và phuộc sau monoshock thể thao nhưng nó không phù hợp với những chuyến đi xa. Đi trong thành phố thì chúng khá êm nhưng đi đường trường thì sẽ tạo ra những rung động rất nhỏ tác động lên lòng bàn tay và mông của người ngồi. Mặc dù không nhiều nhưng ngồi xe trong thời gian sẽ sẽ gây ra cảm giác mỏi bàn tay và ê mông.
Yên xe
Yên xe có chiều ngang to, ngồi rất vững chãi nhưng lại hơi cứng nên đi đường xa dễ gây cảm giác ê mông. Yên sau được làm cách điệu cao hơn một tầng so với yên trước. Mặc dù yên sau không quá nhỏ như những chiếc Sport nhưng cảm giác ngồi cũng không thật sự thoải mái vì hai lý do: thứ nhất là kích thước nhỏ, ít tạo được cảm giác ngồi chắc chắn, thứ hai là vị trí hơi cao so với người lái nên người ngồi sau không thể ôm hết người ngồi trước. Điều này làm cho Duke 125 chỉ thích hợp với những chuyến đi gần hoặc đi trong thành phố, không nên dùng để đi quá xa.
Dàn bánh
Dàn chân của Duke 125 quá ổn so với các đối thủ cùng phân khúc, bánh trước 110 bánh sau 150mm. Thứ nhất chúng giúp xe trở nên đẹp và ngầu, làm cho xe rất cân đối, thứ hai là giúp tạo cảm giác đầm cho xe trong những pha chạy xe tốc độ cao hoặc ôm cua. Thử nghiệm ôm những khúc cua nhỏ trong thành phố hay đoạn đường ngoằn nghèo dẫn lên ngọn hải đăng ở Vũng Tàu mình đều cảm thấy rất tự tin trong những lúc ôm cua hai người. Xe không hề bị sàng hay cho cảm giác không chắc chắn.
Cảm giác cầm lái
Chiều cao yên xe của Duke 125 là 800mm, tính từ vị trí yên cho đến mặt đất. Đây là một con số khá cao vì đa số các xe khác chỉ nằm trong khoảng từ 750-790mm. Tuy nhiên bạn không cần phải lo lắng quá, nếu bạn cao từ 1 mét 6 trở lên là ok. Ở ngưỡng thấp nhất là 1 mét 6 thì bạn vẫn có thể nhón chân ở hai bên và tự điều khiển xe được, còn bạn nào cao từ 1 mét 7 trở lên (giống mình) thì ngồi chuẩn nhất, cao từ 1 mét 8 thì nhìn xe sẽ hơi nhỏ so với người.
Chiều ngang tay lái (ghi-đông) của xe rất dài, dài hơn các xe côn thông thường, hơn Exciter, hơn EN150-A và tất nhiên là dài hơn những chiếc Sport-Bike như CBR150 hay R15. Chính vì nó dài nên bạn phải dang tay rộng hơn trong khi ngồi lái. Trước đó mình chạy EN150-A, tai lái cũng khá rộng nhưng không dài như Duke 125, mới chạy Duke thì cảm giác hơi lạ nhưng chạy chừng một hai lần là bạn có thể quen ngay. Góc bẻ tay lái cũng khá lớn, dễ dàng để xoay đầu xe trong những con hẻm nhỏ của nội thành.
Hai thành phần chân số và chân thắng được đặt hơi lùi ra phía sau (không thẳng hàng với đầu gối), tạo dáng ngồi phấn khích hơn trong khi vẫn giữ được tư thế ngồi thẳng lưng rất thoải mái. Chân số rất nhẹ, chỉ cần một cú nhấp nhẹ hoặc móc lên nhẹ nhàng là xe có thể chuyển số ngay.
Nhìn chung: xe tạo tư thế ngồi rất thoải mái vì là dòng xe Naked, tuy tay lái có hơi rộng nhưng khả năng điều khiển vẫn rất tốt.
Thắng ABS
Đây là thứ làm mình thích thú nhất. Nhìn lại những dòng mô tô PKN phổ biến ở Việt Nam như FZ-S,CBR150 hay R15… đều không biết đến ABS là gì, tuy nhiên KTM lại sẵn sàng trang bị ABS trên cả hai bánh trước và sau cho Duke 125 (và đây cũng là lý do tại sao bạn phải trả khá nhiều tiền cho một chiếc mô tô 125cc).
ABS, viết tắt của từ Anti-lock Braking System, là một hệ thống phanh/thắng tiên tiến thường được trang bị trên những chiếc xe PKL. Thông thường, để thắng gấp một cách an toàn, chúng ta thường nhấp/nhả hai thắng trước/sau cùng lúc để xe giảm dần tốc độ. Nếu thắng gấp cả hai bánh cùng lúc hay tệ hơn là chỉ dùng một thắng thì khả năng bị lết bánh hoặc ngã xe là rất cao. Còn nếu xe có ABS thì ABS sẽ tự làm công việc nhấp nhả thắng dùm cho chúng ta. Đối với Duke 125 hoặc các xe có trang bị ABS khác, bạn cứ yên tâm đạp và bóp mạnh cả hai thắng cùng lúc (nhưng phải tùy thuộc vào tốc độ hiện tại của xe và khoảng cách đến vật cản phía trước), các piston của thắng sẽ tự động nhấp nhả thắng trong khi bạn vẫn đang đạp thắng không nhả. Như vậy, hầu như bất kỳ ai cũng có thể thắng xe rất an toàn mà không cần phải có kinh nghiệm xử lý tình huống từ trước.
Thử nghiệm với đường nhựa bằng phẳng, xe đang chạy với vận tốc hơn 70 km/giờ, khi đạp và bóp hai thắng cùng lúc thì Duke 125 có thể dừng hẳn lại trong vòng khoảng 1 giây, không lết bánh. Còn chỉ đạp nhẹ thắng khi đi chậm thì cũng không khác gì các xe khác, cảm giác lái và cảm giác thắng không có gì khác biệt. Thắng chân và thắng tay khá nhẹ chứ không hề nặng. Tuy nhiên, mới làm quen thì bạn không nên quá chủ quan mà đạp mạnh thắng ở mọi trường hợp, tùy vào khoảng cách giữa xe đến vật cản phía trước mà phân phối lực chân và tay cho phù hợp, dù cho xe có ABS đi nữa nhưng nếu thắng quá gấp thì vẫn có khả năng xe thì dừng lại còn người lái thì… chúi nhủi lên phía trên, hoặc tệ hơn là tự té luôn.
Sức mạnh của động cơ 125cc
Có lẽ bạn quan tâm cái này nhất. Duke 125 sử dụng động cơ xy-lanh đơn, DOHC, 4 thì, 4 van, có phun xăng điện tử, công suất tối đa 15 mã lực, momen xoắn cực đại 12 Nm. Nếu so với những đối thủ khác như CBR150, R15 hay thậm chí là dòng xe Exciter 2013 thì hai con số này đều không phải là quá cao (xem bảng so sánh bên dưới). Do thời gian chạy thử xe có hạn nên mình chưa có dịp thử tốc độ tối đa của Duke 125 (xem trên Youtube thì vận tốc tối đa khoảng 130 km/h).
Lần chạy thử của mình là khi xe đang chở hai, tổng trọng lượng khoảng 110 kg (chưa tính xe), xe đạt vận tốc trên 100km/h khá dễ dàng. Tuy nhiên ở từng cấp số, mình có cảm giác xe hơi bị ghì, mặc dù rất ít, có lẽ do xe bị hãm vòng tua từ nhà sản xuất. Cảm giác khi xe lên vận tốc 100km/h vẫn còn rất ổn định, xe không hề bị rung lắc hay bồng bềnh vì “cặp chân” có kích thước quá to.
Về độ bốc, nếu bạn đã hoặc đang chạy Exciter 2013 rồi thì sẽ thấy Duke 125 không bốc bằng, thậm chí yếu hơn. Còn so với CBR150 hay R15 thì rõ ràng Duke 125 vẫn yếu hơn do thua kém về momen xoắn. Bản thân mình do đi quen EN150-A của Suzuki nên khi chuyển sang Duke 125 thì vẫn để số 2 khi dừng đèn đỏ, nhưng hơi buồn là số 2 của xe làm mình cảm thấy hơi thất vọng, quá yếu, trong khi đó số 1 lại mạnh hơn rất nhiều. Mặc dù vậy mình vẫn không thích đề pa từ số 1 vì bước số của nó rất ngắn, xe chạy được một quãng ngắn là mình lại phải móc lên số 2.
Khả năng chuyên chở đồ
Duke 125 tuy là dòng xe Naked nhưng không phải chuyên dùng để đi xa nên khả năng mang vác thêm đồ của nó rất hạn chế. Xe không có cốp (xe nào cũng vậy ngoại trừ dòng Under-Bone), không có móc chứa đồ phụ, hình thể xe rất gọn gàng, ít chi tiết nên khi cần ràng thêm đồ cũng là một thử thách không nhỏ. Nếu chạy xe một mình thì khá OK, bạn có thể đeo balo sau lưng và cho nó tựa lên yên sau để giảm bớt sức nặng cho vai, còn nếu đi hai thì hơi khó chịu một chút vì yên sau quá nhỏ, nếu người ngồi sau đeo balo thì phải chịu hết sức nặng của balo đó, không có chỗ để tựa balo ra đằng sau, buộc lòng trong tình thế này thì người lái phải đeo balo ngược. Hy vọng sắp tới KTM sẽ mang thêm các phụ kiện chuyên đi xa như thùng đồ bên hông xe về các đại lý ở Việt Nam.
Nhiệt độ xe
Duke 125 dùng tản nhiệt nước, có két nước khá lớn ở phía trước động cơ và một quạt tản nhiệt. Lần đầu chạy thử xe mình đã vô cùng đau khổ khi mặc quần đùi chở người yêu đi chơi bởi vì xe quá nóng. Chạy tầm 10 phút là két nước sẽ rất nóng, chạy chậm (trong thành phố, không qua khỏi 40 km/h) thì toàn bộ hơi nóng sẽ bị quạt hút đẩy ngược về sau, bắn thẳng vào chân của hai người ngồi xe. Cái nóng ở đây là từ nóng đến rất nóng nên mình khuyên là không nên mặc quần short mà chạy xe, kể cả người ngồi phía sau. Còn khi chạy nhanh thì nhờ có gió thổi ngược thêm về sau nên cái nóng nó cũng ít hơn.
Độ cứng tay côn
Tay côn zin của xe hơi cứng nên sẽ rất mệt mỏi trong những lúc kẹt xe.
Đồng hồ điện tử
Mặc dù là xe PKN nhưng đồng hồ của xe lại có rất nhiều chức năng. Ngoài các chức năng cơ bản như báo tốc độ, vòng tua, lượng xăng còn lại… còn có thêm các chức năng sau:
- Đồng hồ chỉ thời gian hiện tại.
- Đồng hồ trip.
- Vận tốc trung bình của xe.
- Đã chạy được bao lâu kể từ khi khởi động xe.
- Lượng tiêu thụ xăng hiện tại (đang chạy được bao nhiêu km/lít)
- Lượng km còn đi được với mức xăng hiện có, còn bao nhiêu km nữa phải đổ xăng.
Độ tiêu hao xăng
Chuyến Sài Gòn – Vũng Tàu – Sài Gòn của mình trong 2 ngày hết 280 km, chở 2 người, vận tốc trung bình 60 km/h. Tổng cộng dùng hết khoảng 7 lít xăng A95. Đồng hồ của xe báo mình chạy được 49 km/lít. Còn tính ra trên thực tế (280 km chia 7 lít) được 40 km/lít. Nếu đi 1 người thì mức tiêu thụ có thể sẽ ngon hơn.
Tiếng pô
Pô zin không to, âm thanh xè xè (mình thì thấy giống tiếng kêu của xe lam). Đây là đặc điểm chung của những xe PKN sử dụng xy-lanh đơn, bạn có thể dùng pô độ để có âm thanh trầm ấm hơn hoặc phấn khích hơn.
Kết luận
Vậy câu hỏi đặt ra là: Nếu đủ tiền thì có nên mua Duke 125 hay không?
Xét ở thời điểm hiện tại, khó khăn lớn nhất là có được một cái bằng A2 thì Duke 125 là một sự lựa chọn khá tốt để sở hữu một chiếc mô tô kiểu dáng đẹp, động cơ ngon. Tuy nhiên nếu sang năm chúng ta được thi A2 rộng rãi và khoảng cách về giá không lớn thì mình vẫn khuyên các bạn chọn mua Duke 200 vì lúc đó bạn sẽ có tới 25 mã lực và momen xoắn 19 Nm. Cao hơn rất nhiều so với phiên bản 125 phân khối và đưa bạn lên một tầm cỡ khác hoàn toàn so với đại đa số các xe khác đang chạy trên đường phố Việt Nam.
Quay trở lại vấn đề có nên mua hay không, nếu bạn không quá quan tâm về vận tốc tối đa hay độ bốc của xe, muốn so sánh giữa Duke 125 với CBR150 hay R15 thì mình khuyên là nên chọn Duke với lý do xe gần như đã “full option”, không cần nâng cấp thêm. Hầu hết các xe còn lại đều có chung các nhược điểm như: không có thắng đĩa sau (nâng cấp thắng đĩa), bánh sau nhỏ (phải nâng cấp lên bánh lớn, thậm chí phải thay cả cặp niềng/vành), nâng cấp bánh trước thì phải nâng cấp cả phuộc để nhìn cho cân đối (dùng phuộc đường kính lớn hơn hoặc mua riêng phuộc USD), thích kiểu dáng phuộc Monoshock (nâng cấp phuộc Monoshock), đó là chưa kể các thứ nâng cấp linh tinh như đồng hồ điện tử hay đèn pha. Trong khi đó với Duke 125 thì bạn không cần phải lo đến những điểm yếu về mặt thẩm mỹ đó.
Thêm nữa là trong làng xe môtô PKN, những chiếc xe từ Naked cho đến Sport thường có những điểm xấu trong thiết kế. Những điểm này thông thường là:
- Các khoảng trống: khoảng trống giữa các chi tiết trên thân xe, giữa các phần động cơ, giữa đuôi xe với bánh sau… tạo thành những khoảng trống làm cho xe nhìn có vẻ yếu ớt.
- Phuộc trước mỏng manh: đường kính phuộc trước quá nhỏ làm cho xe trở nên gầy gò khi bạn độ bánh trước lên to hơn hoặc thay đầu đèn khác ngầu hơn.
Riêng đối với Duke 125 thì những điểm xấu này gần như không có, cục máy nhỏ đã được hãng giấu phía sau dàn khung mắt cáo, cộng thêm két nước tản nhiệt phía trước đã khéo léo che mất đi sự nhỏ nhoi của cục máy này.
Mình hỏi đại lý KTM Việt Nam thì được biết giá của Duke 125 sẽ thấp hơn giá bên châu Âu là 6.200 USD (khoảng 130 triệu đồng). Hiện giờ đang miễn phí 100% thuế trước bạ tại HN và TPHCM, 15/12 sẽ kết thúc.
:: Ưu điểm:
Xe đẹp, ngầu
Nhiều đồ chơi, không cần nâng cấp thêm
Cảm giác ngồi thoải mái
Xe nhẹ, dễ di chuyển trong thành phố và hẻm nhỏ
Dễ ngồi, cao 1 mét 6 là điều khiển OK.
Tiết kiệm xăng.
Không cần bằng lái A2.
:: Nhược điểm:
Không thích hợp để đi xa: yên hơi cứng, khó chở thêm đồ.
Tay côn cứng, dễ mỏi tay.
Nhiệt độ xe quá nóng khi đi chậm.
Các chi tiết nhựa chỗ đồng hồ và thùng xăng có chất lượng hoàn thiện chưa cao, cảm giác không cao cấp và cứng cáp cho lắm.