Ngành công nghiệp xe máy Thái Lan – Vì sao phát triển?

Posted by: Huy Hùng Category: Xe Isuzu Dmax Comments: 0

Ngành công nghiệp xe máy Thái Lan – Vì sao phát triển?

Ngành công nghiệp xe máy Thái Lan - Vì sao phát triển?

 

Môtô, xe máy là phương tiện giao thông quan trọng nhất ở Thái Lan. Đâu đâu trên đất nước Đông Nam Á này cũng có xe máy, từ thành phố cho đến nông thôn, đồi núi. Hầu như gia đình nào ở Thái Lan cũng có từ một đến hai chiếc xe máy phục vụ cả gia đình, để đi cả những quãng đường ngắn và đường dài.

Chở hàng, đi học, đi làm, đi thăm bạn bè, họ hàng, chiếc xe máy có giá trị kinh tế và xã hội rất lớn trong đời sống của đa số người dân Thái Lan. Xe máy là phương tiện kết nối giữa những ngôi làng nhỏ với các thị trấn, các thị trấn với các thành phố hạng trung… Ở Thái Lan, một chiếc xe máy không chỉ là phương tiện thể hiện địa vị, mà còn là đồ dùng thiết yếu.

Ngành công nghiệp xe máy Thái Lan hình thành từ năm 1964, khi nước này còn là một thị trường nhỏ nhưng nhiều tiềm năng trở thành một trung tâm sản xuất. Đến năm 2014, có 4 nhà sản xuất xe máy lớn tại Thái Lan, đó là: Honda, Yamaha, Kawasaki, và Suzuki.

Mặc dù không có nhiều hãng sản xuất và bán xe máy ở Thái Lan, nhưng sự cạnh tranh rất khốc liệt.

Trên thực tế, ngành công nghiệp xe máy Thái Lan đang trong giai đoạn chín muồi, nên các hãng lớn buộc phải áp dụng những chiến lược quyết liệu để giành thị phần. Hiện tại, Honda là hãng thống trị ngành công nghiệp xe máy Thái Lan.

Theo công ty nghiên cứu thị trường và tư vấn quản lý toàn cầu Lucintel, thị trường xe máy Thái Lan đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ trong giai đoạn từ năm 2006-2011, nhưng đang có xu hướng giảm dần và sẽ ở mức khoảng 93,67 tỷ USD vào năm 2017.

Công ty này còn lưu ý rằng ở các nước đang phát triển, nơi xe hai bánh là phương tiện giao thông chính, vẫn là những thị trường tiềm năng nhất của scooter, xe gắn máy và xe môtô cỡ nhỏ. Sự kết hợp của các yếu tố như nhân khẩu học, kinh tế, và các quy định về môi trường tác động lớn đến sự phát triển của thị trường.

Ông Chiaki Kato – Chủ tịch AP Honda Thái Lan – cho biết, ngành công nghiệp xe máy nước này bị ảnh hưởng rõ rệt bởi tình hình kinh tế bất ổn hồi năm ngoái.

Những biến động kinh tế bắt đầu với việc xuất khẩu sụt giảm vào đầu năm, do sự tăng giá của đồng baht. Sau đó là cuộc khủng hoảng chính trị trong nước và giá nông sản biến động vào cuối năm. Tất cả những yếu tố này đã kéo tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thái Lan từ mức dự báo 5,5% ban đầu xuống chỉ còn 2,8%. Thêm vào đó, lượng xe máy mới đăng ký đã sụt giảm 6% so với năm 2012 xuống còn hơn 2 triệu chiếc.

Mổ xẻ các số liệu thống kê năm 2013 thì thấy ngành công nghiệp xe máy Thái Lan đã có một giai đoạn thoái trào do tình hình chính trị bất ổn trong quý 4.

Năm 2013, cả sản lượng và tiêu thụ xe máy của Thái Lan đều thấp hơn năm 2012, lần lượt đạt 2.218.625 chiếc và 2.004.498 chiếc. Tuy nhiên, số liệu xuất khẩu đã cho thấy sự tăng trưởng thực sự của ngành công nghiệp xe máy Thái Lan trong năm 2013, khi cả lượng xe CBU và CKD đều cao hơn, lần lượt đạt 333.780 chiếc và 601.967 chiếc, với tổng kim ngạch đạt 50,15 tỷ baht, tương đương 1,58 tỷ USD.

Honda đã chọn Thái Lan làm trung tâm sản xuất các mẫu xe cỡ lớn, vì ngành công nghiệp phụ trợ của nước này có thể cung cấp tới 95% phụ tùng, nên chi phí sản xuất thấp hơn nhiều so với sản xuất tại Nhật Bản rồi xuất khẩu sang Thái Lan.

Xe máy bị áp thuế nhập khẩu khá cao do lộ trình tăng thuế nhập khẩu theo Hiệp định hợp tác kinh tế Nhật Bản-Thái Lan sẽ có hiệu lực từ năm 2017.

Thêm vào đó, hãng Ducati của Ý vừa xây dựng một nhà máy lắp ráp xe phân khối lớn tại Thái Lan, với công suất 17.000 xe/năm. Mẫu Ducati Monster 795 hiện được sản xuất tại Thái Lan và là dấu hiệu cho thấy thị trường này có nhu cầu đối với xe mô-tô phương Tây.

Tương tự, hãng BMW của Đức cũng đang hoạt động tích cực tại Thái Lan.

Ngành công nghiệp xe máy Thái Lan - Vì sao phát triển?

Tùy theo dung tích động cơ, có thể chia xe máy thành 4 loại: nhỏ (50-250 cc), trung bình (251-750 cc), lớn (751-1199 cc), và siêu mô-tô (từ 1200 cc trở lên). Nếu chia theo kiểu dáng, mục đích sử dụng, cũng có 4 loại: tiêu chuẩn (các mẫu xe nhỏ, đơn giản, kinh tế và dễ sử dụng), tính năng vận hành cao (thường có động cơ từ 251cc trở lên và chủ yếu dùng để đua), phong cách/touring/sang trọng (thường có động cơ trung bình hoặc lớn), và xe độ hoặc hàng “thửa” (thường có động cơ lớn).

Ngoài ra, cũng có thể chia xe máy thành hai loại là nhập khẩu nguyên chiếc (CBU) và lắp ráp (CKD).

Về sản xuất, ngành công nghiệp xe máy Thái Lan đang trong quá trình hồi phục sau cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu. Bức tranh toàn cảnh cho thấy tổng sản lượng 5 tháng đầu năm nay đạt 772.732 chiếc, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là dấu hiệu cho thấy nhu cầu thị trường vẫn còn.

Tháng 4/2014, đã có 131.147 xe máy được bán ra tại Thái Lan, giảm 22,41% so với mức 169.033 chiếc so với tháng 4 năm ngoái, do nhu cầu đối với xe tay ga và xe gia đình sụt giảm. Cụ thể, doanh số xe gia đình, xe tay ga và xe thể thao đã giảm 15,95% trong tháng 4.

Tuy nhiên, tổng doanh số 5 tháng đầu năm cho thấy có 718.755 xe được tiêu thụ nội địa, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái.

Honda hiện là nhà sản xuất dẫn đầu thị trường Thái Lan, với doanh số bán ra đạt 571.231 xe, chiếm 79,5% thị phần; kế đến là Yamaha với doanh số 94.049 xe và thị phần 13%; Suzuki với doanh số 18.017 xe và thị phần 2,5%; Kawasaki với 17.452 xe và thị phần 2,4%; và 18.006 xe của các hãng khác.

Xuất khẩu xe máy nguyên chiếc của Thái Lan trong tháng 4 năm nay đã tăng 18,68% từ 20.709 xe lên 24.577 xe, chủ yếu nhờ các thị trường Anh, Mỹ và Nhật Bản.

Ngoài ra, xuất khẩu của tháng 4 đã tăng 2,27% so với tháng 3, chủ yếu sang Nhật, Pháp và Bỉ. Ngành công nghiệp xe máy Thái Lan được dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại trong năm 2014 này, nhưng sản lượng sẽ tăng vào cuối năm do các nhà đầu tư và người tiêu dùng đều tin tưởng vào sự phục hồi kinh tế của Thái Lan. 88% sản lượng sẽ phục vụ tiêu dùng trong nước và 12% phục vụ xuất khẩu.

Nhận thấy sự thay đổi xu hướng liên quan đến thị hiếu trong nước, Ủy ban đầu tư Thái Lan khuyến khích sản xuất xe máy cỡ lớn, thông qua việc miễn thuế nhập khẩu máy móc, bất kể nhà máy đặt ở đâu, và miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho các dự án sản xuất động cơ. Trường hợp này được phép miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, theo Quy định số 1/2543 (áp dụng từ ngày 1/8/2000); cụ thể như sau:

Đối với sản xuất xe máy có động cơ trên 248cc, nhưng không quá 500cc, phải có dây chuyển đúc hoặc dập 4 trong tổng số 6 chi tiết, gồm: xy-lanh, đầu xy-lanh, trục khuyurm các-te, trục cam và thanh truyền.

Đối với xe máy có dung tích động cơ trên 500cc, quy trình sản xuất phải bắt đầu từ gia công các bộ phận của động cơ, gồm đầu xy-lanh và các-te.

Ví dụ, xe mô-tô cỡ lớn phải là loại dùng động cơ 4 thì có dung tích tối thiểu 248cc. Ngoài ra, quy trình sản xuất phải bao gồm việc hàn khung thân xe và sơn, phải có kế hoạch mua và sản xuất phụ tùng đã được Ủy ban đầu tư Thái Lan phê duyệt. Và cuối cùng, công ty đầu tư không được miễn thêm thuế thu nhập doanh nghiệp theo chương trình STI (kỹ năng, công nghệ và sáng tạo) của Thái Lan.

Theo dantri / Theo: Websosanh.vn

Share this post


.
.
.
.